Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Thương mại điện tử cần những gì?

Thương mại điện tử


Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh doanh. Nó đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế. Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển nhất thế giới.


Ở Việt Nam, thương mại điện tử vẫn chỉ như một em bé, nó chưa chạm tới giai đoạn "dậy thì" để đứa trẻ đó trở thành thanh niên, và gây ra giai đoạn bùng nổ mua bán qua mạng.

Giờ trong bài viết này mình muốn trả lời 2 câu hỏi:
  • Tại sao thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Và...
  • Những yếu tố nào là nền tảng để thương mại điện tử phát triển.
Chính việc bạn đang đọc bài viết này là nguyên nhân tại sao nền kinh tế ngày càng có xu hướng chuyển dịch về thương mại điện tử!

Bạn dành bao nhiêu tiếng để lên mạng? nó có xu hướng ngày càng tăng và có thể đã vượt thời gian xem tivi và đọc báo giấy rồi phải không? Khi muốn mua cái gì đó bạn sẽ google, hoặc tham khảo ở diễn đàn nào đó thân quen, rồi rất có khả năng bạn lên facebook đặt câu hỏi với mọi người?

Tóm lại, giờ đây công cụ để bạn tham chiếu thông tin mua hàng có chiều hướng dịch chuyển qua việc tham khảo trên Internet thay vì đến cửa hàng trực tiếp hoặc đọc thông tin in trên giấy hay xem quảng cáo trên Tivi.

Lý do lớn nhất cho sự thay đổi này chính là vì Internet cho bạn cái nhìn toàn diện, đầy đủ, khách quan và chủ động hơn. Do vậy, bạn đã hiểu rằng Internet trở thành phương tiện hàng đầu để tiếp cận khách hàng. Và rất nhanh chóng thôi, những người bán hàng bắt đầu tạo các gian hàng trên mạng, và cuộc đua được khởi phát...

Điểm mạnh nhất của Internet là khả năng kết nối và cung cấp thông tin, và chính khả năng xếp hạng thông tin theo thứ tự từ 1 đến 10 là yếu tố biến Google thành một trong các công ty giàu có và thế lực nhất trên thế giới!

Nền tảng của thương mại điện tử

Nếu bạn từng mua một thứ gì đó trên mạng, bạn đã làm quen với một vài nền tảng mà có thể bạn không chú ý cho lắm. Dưới đây trình bày một số thứ như vậy:

A. Internet: Ít người nghĩ đến điều này đầu tiên, nhưng nếu không có nó, bạn đã không đọc được bài viết này của tôi. Muốn có nền thương mại điện tử phát triển Internet phải trở nên phổ cập, để internet trở thành cái chợ lớn nhất mà bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể bước chân vào mua sắm.

B. Thanh toán trực tuyến: nghĩa là bạn không cần đến tận nơi và trả tiền, bạn có thể gửi tiền của mình thông qua mạng internet cho người bán, họ xác nhận đơn hàng và gửi lại hàng cho bạn. Ở giai đoạn đầu của TMĐT, thanh toán trực tuyến chưa phải là yêu cầu thiết yếu vì người mua thường muốn nhận được hàng mới trả tiền. Tuy nhiên về lâu dài, thanh toán trực tuyến là điều không thể thiếu, vì bản chất và lợi ích nhất của TMĐT là giao dịch mua bán từ xa - không cần gặp mặt.

C. Bảo mật thông tin: nếu thanh toán trực tuyến nôm na là tiền thì bảo mật thông tin là két sắt. Khi bảo mật thông tin không tốt, sẽ không ai tham gia mua bán trực tuyến, bởi vì thông tin tài khoản của họ có thể bị xâm nhập và rút tiền trái phép. Bảo mật không chỉ liên quan đến tài chính, nó còn liên quan đến thông tin riêng tư của khách hàng, như tên, tuổi, giới tính, họ mua những gì…

D. Giao hàng: Trừ một số mặt hàng (như mua sách điện tử, thuê phim trực tuyến…) thì hầu như sản phẩm phải giao tận nơi cho khách hàng. Tuy vậy đây là vấn đề dễ bị xem thường nhất. Giao hàng là nơi bạn ít phải ứng dụng công nghệ thông tin – là khúc cuối của TMĐT, nhưng lại là cái mà nếu không có nó,  nỗ lực kinh doanh trên mạng trở nên vô nghĩa.

Thanh toán trực tuyến, bảo mật thông tin là vấn đề phần lớn thuộc về công nghệ, nó là lĩnh vực chung toàn cầu nên dễ dàng nhập khẩu những công nghệ đó – bạn mua phần mềm tiên tiến, thiết bị chuyên dụng và thuê chuyên gia – OK, bạn đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ. Thế nhưng giao hàng không nhập khẩu được, người lái xe là người Việt Nam, giao thông là giao thông Việt Nam! Với tôi đây chính là điểm yếu nhất của TMĐT nước nhà…

Rất nhiều gian hàng nhỏ và vừa trên mạng phải tự mình vận chuyển hàng hóa hoặc đi thuê cá nhân ai đó vì họ không tìm được dịch vụ thích hợp của bên thứ ba, mặc dù nhu cầu là rất lớn. Việc tự mình vận chuyển làm họ trở nên khó khăn về khung thời gian, cũng như cắt giảm các nỗ lực phát triển gian hàng. Còn khi tự đi thuê cá nhân, họ phải bỏ ra một số tiền tương đối lớn, đồng thời chưa chắc là đã tìm được người giao hàng tin tưởng, có trách nhiệm và cẩn thận.

Dịch vụ của bên thứ ba là giải pháp tốt nhất vì:
  • Người bán Không phải bận tậm về vấn đề giao hàng, vì đã có dịch vụ chuyên nghiệp thực hiện, người bán chỉ cần tập trung vào chuyên môn.
  • An tâm về hàng hóa trong quá trình vận chuyển không bị mất cắp, hỏng hóc, đổ, vỡ…Vì bên giao hàng phải chịu trách nhiệm.
  • Tạo ra dịch vụ tốt hơn đối với người mua.
  • Giảm thiểu chi phí cho giao hàng.

5 chi phí hàng đầu trong kinh doanh online

   Dự trù được những khoản chi phí cần phải bỏ ra trong kinh doanh online giúp bạn xác định được vốn đầu tư ban đầu cũng như số tiền duy trì vận hành shop. Hôm nay Blog Mạng Lưới Toàn Cầu sẽ cùng bạn xem xét 5 chi phí quan trọng nhất.

Chi phí cho thành phẩm

   Dù bạn tự làm sản phẩm hay mua buôn để bán lại, bao giờ cũng có chi phí gốc cho thành phẩm cuối cùng bạn muốn bán. Thông thường chi phí này chiếm tỷ trọng rất lớn, bạn sẽ phải tìm mọi cách để giảm tối đa chi phí gốc này. Cải tiến quy trình sản xuất và tìm nơi nhập nguồn hàng rẻ hơn là 2 cách phổ biến nhất.

Chi phí bao bì nhãn hiệu

   Thực ra chi phí này nằm trong chi phí thành phẩm, nhưng vì đặc thù rất riêng của nó nên tôi tách ra. Bao bì và nhãn hiệu không chỉ để đựng sản phẩm, nó còn khẳng định tính chuyên nghiệp cũng như định hình thương hiệu cho bạn. Các doanh nghiệp lớn đầu tư rất nhiều vào phần này. Dĩ nhiên, với chúng ta - các cá nhân buôn bán có quy mô nhỏ, không thể chăm chút như họ nhưng cũng cần đặc biệt chú ý.
   Khi chúng tôi chưa có nhãn hiệu cho sản phẩm của mình, đã rất nhiều người mua hàng khuyên chúng tôi nên thêm vào, và chúng tôi đã quyết định lắng nghe họ, nhãn hiệu không chỉ giúp khách hàng dễ liên hệ và nhớ tới thương hiệu của bạn hơn, nó còn giúp họ an tâm hơn, vì không có nhãn hiệu nghĩa là bạn còn gần như vô danh!

Chi phí cho website

Bao gồm các chi phí sau:
  • Tên miền
  • Thuê hosting
  • Thiết kế website
  • Các chi phí vận hành, duy trì khác
  Tên miền và hosting không đắt lắm, khoảng 1 triệu/năm là dùng được. Chi phí thiết kế trang web tốn kém hơn, có thể tốn tới 2 - 5 triệu đầu tư lúc ban đầu. 
  Các chi phí vận hành duy trì liên quan đến việc thiết kế các banner quảng cáo, chụp hình sản phẩm, đăng sản phẩm lên website, nếu bạn tự làm được những cái này thì sẽ giúp giảm chi phí khá nhiều.

Chi phí cho quảng cáo

Có thể là quảng cáo Google, Facebook, banner trên các trang web hoặc viết bài PR. Sẽ rất khó khăn nếu bạn không có bất kỳ hình thức quảng cáo nào.
   Tùy đặc thù kinh doanh mà kinh phí quảng cáo sẽ thay đổi, nó có thể chiếm tỷ trọng từ 10% đến 30% giá thành sản phẩm bán ra.
   Không giống như quảng cáo truyền thống như quảng cáo trên truyền hình hay báo giấy có chi phí rất lớn, quảng cáo online có chi phí rẻ hơn nhiều, nếu mới mở shop mà bạn chi ra 1 triệu/tháng để quảng cáo thì cũng không tệ đâu.

Chi phí cho Ship hàng

   Nếu không khéo léo trong vấn đề giá ship hàng, bạn có thể mất đi khách hàng của mình. Kinh nghiệm thực tế  của tôi cho thấy chỉ cần tăng giá Ship lên 20% thì số lượng khách hàng chần chừ và muốn đến tận nơi để lấy hàng đã tăng lên đáng kể.
   Điều lưu ý đầu tiên bạn không lấy lãi qua phí ship! Bạn chỉ được phép để giá ship tối đa với chi phí ship hàng mà bạn phải bỏ ra. Cá nhân chúng tôi thậm chí phải bù lỗ cho ship, chúng tôi thuê ship hàng 20K/đơn nhưng chỉ lấy tiền của khách là 15K, như vậy là thiệt 5K. Dù sao có thiệt 5K tiền ship nhưng bù lại khách hàng không còn lăn tăn nữa.

7 yêu cầu với website kinh doanh online

Điều đầu tiên cần phải ghi nhớ, trang web của bạn dùng để kinh doanh, do vậy nó cần có các yêu cầu mang tính đặc thù khác biệt với những website thông thường khác.

Truy cập nhanh

Bất cứ người duyệt web nào cũng không thích trang web truy cập chậm, nếu bạn để khách hàng bỏ đi vì tốc độ trang web, điều đó đồng nghĩa với bạn mất thu nhập. Thà rằng bỏ thêm tiền để có chất lượng hosting tốt còn hơn mất rất nhiều tiền vì không có khách hàng.
Kinh nghiệm: Đừng sử dụng hosting giá bèo để kinh doanh online, bạn sẽ sớm hối hận đấy. Bạn cần đầu tư nền tảng ít nhất ở mức trung bình khá. Nên mua hosting nước ngoài, còn nếu dùng hàng Việt, phải chọn nơi thật uy tín.

Thông tin liên hệ rõ ràng

Thường đó là số điện thoại, hoặc/và địa chỉ cửa hàng của bạn (nếu bạn có). Số điện thoại cần hiển thị to và dễ nhìn để bất cứ khách hàng nào có nhu cầu có thể tìm thấy nhanh chóng. Nên là số điện thoại 10 số, số đẹp thì càng tốt nữa.
Địa chỉ cửa hàng cụ thể, rõ ràng cũng là yếu tố vô cùng quan trọng giúp khách hàng thêm phần tin tưởng bạn.
Kinh nghiệm: Ngay cả khi không thuê shop hoành tráng, bạn cũng nên để lại địa chỉ của bạn ở chân trang web, thực tế rất ít khách tìm đến nhưng họ sẽ tin tưởng bạn hơn chứ không nghĩ rằng bạn từ trên trời rơi xuống - có muốn tìm cũng không biết đâu mà tìm. Trong thực tế, chúng tôi bán dầu dừa, cám gạo, tôi để cả 2 địa chỉ, đó là địa chỉ sản xuất tại quê, và chỗ trọ nơi chúng tôi chứa hàng.

Phải có phiên bản mobile

Giờ rất nhiều người duyệt web trên di động, khách hàng càng trẻ, thu nhập cao thì khả năng đó càng lớn, hơn nữa điện thoại thông minh cũng không quá đắt, rất nhiều người có thể sở hữu nó.
Nếu website của bạn không có phiên bản cho mobile, điều đó làm cho khách truy cập gặp nhiều khó khăn, điển hình là tốc độ tải trang chậm hơn, khả năng hiển thị và đọc tin cũng kém.
   Do vậy khi thuê người thiết kế web, hãy yêu cầu họ chú ý điều này, có thể giá cả sẽ đắt hơn, nhưng bù lại bạn sẽ có nhiều khách hàng hơn.
   Kinh nghiệm: Trang web utemshop.com hiện chưa có phiên bản mobile khiến chúng tôi mất khá nhiều khách hàng, hiện tôi đang tìm cách chuyển đổi sang sử dụng phiên bản mobile, trong vòng 1 tuần sẽ phải hoàn thành điều này.

Đơn giản nhưng không đơn điệu

Nếu khách hàng có bất kỳ ý định nào đó cần thực hiện trên website của bạn, điều đó phải thực sự dễ dàng. Nếu họ muốn xem mặt hàng khác, muốn xem giá, tìm kiếm sản phẩm...các thao tác phải ít và nhanh. Tuy nhiên hình thức không được đơn điệu vì nó sẽ làm khách hàng kém tin tưởng bạn.
Kinh nghiệm: Việc chọn được giao diện thích hợp cho công việc kinh doanh của bạn không hề đơn giản chút nào. Có thể phải mất vài lần thay đổi bạn mới tìm được giao diện ưng í. Nếu có điều kiện, hãy trả mức phí tốt hơn để có được giao diện phù hợp.

Hình ảnh sản phẩm phải đẹp

Mọi thứ phải đẹp để tạo ra tính chuyên nghiệp nhất là hình ảnh sản phẩm bạn muốn bán, sử dụng Photoshop có thể cần thiết hoặc không, nhưng đừng biến hình ảnh sản phẩm thành trò cười.
Bạn không cần phải có các hành ảnh lung linh huyền ảo, đơn giản chỉ cần yêu cầu sau:
  • Rõ nét
  • Không quá lớn, cũng không quá nhỏ
  • Không tạp xúc cảm xấu (giả dụ bạn bán thực phẩm nhưng chụp hình có ảnh con ruồi bên cạnh!)
Kinh nghiệm: Chúng tôi chụp hàng 100 bức ảnh về sản phẩm, nhưng chỉ lọc lấy ra 10 đến 20 tấm.

Phải có Fanpage Facebook

Đừng đùa với Facebook, có người kiếm cả 10 triệu+ hàng tháng chỉ nhờ duy nhất nguồn khách hàng từ Fanpage thôi! Fanpage tạo sự kết nối rất mạnh mẽ giữa khách hàng và bạn, bất kể ai like đều là những khách hàng tiềm năng nhất. Nhiều dữ kiện cho thấy, các shop online có số lượng người like lớn tạo ra sự tin tưởng lớn hơn.

Cách tạo fanpage và tích hợp fanpage vào web rất đơn giản, bạn không cần lo lắng về điều này.

Kinh nghiệm: Để có nhiều fan hãy sử dụng dịch vụ quảng cáo like Fanpage, nhưng phải là like thật, nếu bạn mua like ảo, nguy cơ bạn bị mất fanpage sẽ rất lớn, hơn nữa, những người like ảo không thực sự là khách hàng tiềm năng - họ chỉ là khách hàng ảo! 

Kiểm duyệt bình luận

Bình luận tiêu cực là điều tối kỵ với trang web bán hàng. Bạn phải kiểm duyệt 100% bất cứ bình luận nào trên trang web. Bình luận tiêu cực có nhiều nguyên nhân, có thể ai đó muốn phá bạn, điều này bạn cần loại trừ tức khắc, ngoài ra cũng có thể bạn phục vụ khách hàng chưa tốt khiến họ không hài lòng. Nếu điều này xảy ra, hãy là người cầu thị và sửa chữa, tuy nhiên bạn cũng không cần cho hiển thị những comment phê bình đó.

Kinh nghiệm: Hãy luôn lắng nghe chân thành những bình luận từ phía khách hàng, không phải ngẫu nhiên họ để lại lời nhắn.

Cách tự làm tem nhãn giá rẻ cho sản phẩm của bạn

   Như đã nói với các bạn trước đây, tem nhãn là yếu tố hết sức quan trọng cần quan tâm chú ý đầu tư để đảm bảo sự tin tưởng từ phía khách hàng. Sự thực, trong quá trình kinh doanh online chúng tôi đã từng mất khách hàng vì thiếu tem nhãn, mặc dù sản phẩm rất chất lượng. Lúc đó chúng tôi khá thất vọng, vì mất một đoạn đường dài để mang sản phẩm tới, và khách hàng cũng định mua nhiều sản phẩm nữa.
   Nỗi đau đó khiến cho cô bạn gái của tôi, ngay chiều hôm đấy đã liên hệ với một công ty in tem nhãn, giá được rao là 850K - 1 triệu cho 1000 tem nhãn. Vì là dịp giáp Tết, các công ty in khá bận rộn nên mặc dù chúng tôi yêu cầu tư vấn chi tiết hơn và gửi email nhưng họ quên mất.
Cũng là cái may khi họ quên! Vì tôi phát hiện ra rằng, có thể tự làm tem nhãn với giá rẻ hơn rất nhiều, tất nhiên với điều kiện bạn phải có khiếu thẩm mỹ một chút thì nó mới đạt yêu cầu.
Điểm mấu chốt là vì trước đây chúng tôi nghĩ phải dùng đề can để dán, do sản phẩm của chúng tôi là dầu dừa đựng trong lọ thủy tinh. Câu chuyện đơn giản hơn rất nhiều, dùng giấy phết hồ cũng đã đạt yêu cầu, giấy dính rất chắc :) Vấn đề còn lại là thiết kế ra mẫu tem nhãn thôi.
Công cụ đồ họa là cần thiết để tạo ra được mẫu tem nhãn đẹp, nếu không tự làm được, bạn có thể đi thuê 100 - 200 ngàn.
   Còn nếu am hiểu một chút, bạn dễ dàng tạo ra được mẫu, bí quyết chỉ là chọn font chữ phù hợp, kết hợp với ảnh minh họa sản phẩm, màu nền, đường viền. Về nội dung, người ta hay để tên sản phẩm, địa chỉ website và số điện thoại trên tem.
   Cuối cùng là in ấn, bạn nên in màu cho đẹp, tờ giấy A4 in màu hết khoảng 2 - 3 ngàn, nhưng có thể tạo ra từ 10 - 30 nhãn (tùy kích thước nhãn)

Khảo sát mô hình kinh doanh của BizWeb

Trong một bài viết trước đây tôi có nói việc tồn tại những dịch vụ như BizWeb là một xu thế và sẽ đẩy các mô hình thiết kế web theo kiểu nhỏ lẻ vào thế bí. Hôm nay Blog Mạng Lưới Toàn Cầu sẽ cùng bạn "ngắm nghía" công ty này.

BizWeb là gì?

Dành cho những ai chưa biết, BizWeb là công ty chuyên tạo các trang web bán hàng online, được mô tả là thích hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sản phẩm của công ty đạt danh hiệu Sao Khuê năm 2012 và Nhân tài Đất Việt 2013.

Quy mô 

Công ty chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010, sau hơn 3 năm, BizWeb nói rằng họ đang cung cấp dịch vụ web cho hơn 4000 công ty - tổ chức cá nhân với tổng giao dịch trên 2800 tỷ đồng. Công ty có trụ sở ở Hà Nội và cả TP.Hồ Chí Minh.

BizWeb mới được nhận đầu tư từ CyberAgent Ventures - quỹ đầu tư thuộc tập đoàn CyberAgent của Nhật Bản. Chi tiết về mức đầu tư không được tiết lộ cụ thể.

Tính năng

Đây là những gì BizWeb cam kết:
  • Tạo ra trang web bán hàng trong 30s: Dĩ nhiên, thông tin này mang tính chất quảng cáo nhiều hơn, nhưng nó hàm ý rằng, việc tạo dựng trang web ở đây là nhanh hơn thông thường
  • Kho giao diện: Gồm 85 mẫu trang web, tôi đã xem qua và nhìn chung là khá ổn
  • Tối ưu công cụ tìm kiếm: Tôi chưa dùng nên không rõ khả năng SEO của họ như thế nào.
  • Công cụ marketing: BizWeb cung cấp dịch vụ email marketing, bạn bỏ ra càng nhiều tiền, số lượng email được gửi càng nhiều, dĩ nhiên bạn phải có sẵn từ trước địa chỉ mail của các khách hàng mục tiêu
  • Dùng thử 15 ngày: Bạn được phép dùng thử với đầy đủ tính năng trong nửa tháng trước khi quyết định có mua hay không

Giá cả

Đây là điều quan trọng cuối cùng mỗi khi chúng ta cân nhắc xem có nên rút ví của mình ra không? BizWeb cung cấp 2 tùy chọn lớn với 5 mức giá khác nhau trong mỗi tùy chọn.
Tùy chọn thứ nhất là sử dụng 1 năm, tùy chọn thứ hai là sử dụng 2 năm, dĩ nhiên sử dụng 2 năm được ưu đãi về mức giá hơn.
Còn về 5 mức giá, BizWeb dựa trên dung lượng lưu trữ và băng thông kèm một số giá trị gia tăng khác để đưa ra giá thành cho mỗi mức, tại thời điểm khảo sát (28/01/2014) cho 1 năm sử dụng, các mức giá cụ thể như sau (xem thêm: http://www.bizweb.vn/bang-gia.html):
  • Gói Đồng: 210K/tháng
  • Gói Bạc: 250K/tháng
  • Gói Vàng: 320K/tháng
  • Gói Platium: 490K/tháng
  • Gói Kim Cương: 650K/tháng
Gói thấp nhất, lưu trữ 200 MB, băng thông 2 GB, đăng được 100 sản phẩm, gửi 1000 email. Gói phổ thông (gói vàng - được khuyên là nên dùng) đăng 1000 sản phẩm, lưu trữ 1GB, băng thông 20 GB, gửi 2000 email, được tặng thêm 1 gian hàng vàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử hangtot.com (cũng thuộc công ty mẹ của BizWeb). 
Như vậy ở mức thấp nhất, bạn phải trả 2,5 triệu, còn ở mức trung bình là 3,9 triệu cho 1 năm sử dụng. Nếu dùng 2 năm thì mức giá tương ứng là 2.2 triệu (gói đồng) và  2.9 triệu (gói vàng) cho mỗi năm sử dụng.

Liệu tôi có cạnh tranh được với BizWeb và các công ty tương tự

Đó là câu hỏi cần trả lời với một người sắp gia nhập vào thị trường thiết kế web như tôi hiện nay, rõ ràng, uy tín và kinh nghiệm của BizWeb là lớn, nhưng ở một chiều khác, mức giá mà họ đưa ra chưa hẳn tối ưu và đây là cơ hội cho các tổ chức - cá nhân có thể cạnh tranh.
Thêm vào đó những dịch vụ họ, xét về tổng thể là ổn nhưng không có điều gì quá đặc biệt (để không thể bắt chước được) và các công ty khác hoàn toàn có thể đáp ứng được những điều như vậy (và thậm chí có thể tốt hơn) cho khách hàng.

Kinh doanh trực tuyến - sức hấp dẫn không thể chối từ

   Bán hàng online giờ đây không còn là điều gì quá mới mẻ, mọi người đã biết tới nó, một số người đã sử dụng nó. Thế giới online mở ra một không gian không có giới hạn về địa lý và thời gian. Nếu bạn có một cửa hàng ngoài phố, thế thì ai đó buộc phải đến của hàng của bạn trong khoảng thời gian mà cửa hàng mở để xem sản phẩm. Tất nhiên họ còn phải bỏ công ra để đi đến cửa hàng nữa.
    Nếu một người khác cũng kinh doanh như bạn nhưng anh ta có thêm một gian hàng online, mình đảm bảo rằng anh ta sẽ có nhiều khách hàng hơn.
   Tại sao lại như vậy? Cũng không quá khó hiểu, vì giờ tất cả mọi người trẻ - năng động đều lên mạng và mua, bán. Hỏi ý kiến thì khách hàng cũng lên mạng, vào diễn đàn, facebook, hoặc google thông tin họ cần. Chính điều đó tạo ra một kênh mới để tiếp cận khách hàng. Nhiều khi bạn chỉ cần một website để giới thiệu về sản phẩm của bạn (chứ chưa cần thanh toán online qua thẻ...) cùng địa chỉ liên hệ để mua hàng là bạn đã tạo ra sự khác biệt lớn so với đối thủ.
Tạo ra website giờ không khó, nếu thiết kế một trang web giá rẻ thì chỉ vào cỡ 500k đến 1 triệu, cộng với chi phí duy trì tên miền và hosting trong vòng 1 năm (rẻ thì cỡ 1 triệu mà tốt thì cỡ 2 triệu - tùy chất lương hosting), tức là bạn tốn tầm từ 1.5 triệu đến 3 triệu để duy trì website trong năm đầu tiên - một chi phí không quá đắt.
   Còn nếu bạn biết về vấn đề kỹ thuật và tự làm cho bản thân một website thì chi phí còn rẻ hơn nữa. Nhưng vấn đề thường không nằm ở việc có một website - nó lại nằm ở chỗ là làm sao để cho mọi người biết đến trang web của bạn trong một bể thông tin đầy ắp trên Internet. Thế rồi bạn lại phải xác định khách hàng mục tiêu của mình, bạn có định bán trên toàn quốc không? hay chỉ bán trong một khu vực địa lý nào đó, rồi thì vận chuyển hàng hóa sản phẩm như thế nào khi có người mua...
   Và một trong những điều quan trọng nhất trong thế giới online đó là niềm tin, bạn phải tạo được niềm tin cho khách hàng, uy tín đối với họ. Sản phẩm của bạn phải đúng như bạn mô tả, hình ảnh đưa lên cũng là hình ảnh sản phẩm của bạn. Vì online tức là từ xa, khách hàng không trực tiếp chạm vào sản phẩm, dù gì họ vẫn thấy thiêu thiếu - đó là lý do mà bạn phải trung thực nhất có thể.